Thứ nhất, về quyền được giáo dục:
Ngay trong Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định Nhà nước ta luôn “tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề”. Theo đó, trẻ em khuyết tật cũng có quyền được giáo dục như các trẻ em bình thường khác và được hưởng đầy đủ quyền này mà không có bất kỳ một sự phân biệt đối xử nào. Có thể thấy, trẻ khuyết tật cũng có nhu cầu học tập nhưng do khiếm khuyết cơ thể nên việc học tập của trẻ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khuyết tật được học tập thông qua các quy định riêng biệt mang tính ưu tiên dựa trên cơ sở khắc phục khiếm khuyết của trẻ như: Được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập…
Tuy nhiên, do mỗi trẻ khuyết tật lại có những khiếm khuyết khác nhau nên Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng đưa ra ba phương thức giáo dục khác nhau giành riêng cho trẻ em khuyết tật do ba, mẹ hoặc người giám hộ lựa chọn dựa trên sự phù hợp với cá nhân trẻ khuyết tật, đó là: Giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt. Với các quy định như vậy, có thể thấy về cơ bản pháp luật Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.
Thứ hai, về quyền được hưởng bảo trợ xã hội:
Bảo trợ xã hội là sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội và cộng đồng dành cho các đối tượng gặp phải rủi ro, bất hạnh vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu cho cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình. Trẻ khuyết tật là một trong các nhóm đối tượng đó. Vì vậy, Luật Người khuyết tật năm 2010 đã dành riêng Chương VIII để quy định về nội dung bảo trợ xã hội cho người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Theo đó, chế độ bảo trợ xã hội cho trẻ em khuyết tật chủ yếu bao gồm: Chế độ trợ cấp, hỗ trợ cho trẻ khuyết tật và chế độ nuôi dưỡng trẻ khuyết tật tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Thứ ba, về quyền được chăm sóc sức khỏe:
Theo quy định tại Điều 14 Luật Trẻ em năm 2016 và tinh thần của Luật Người khuyết tật năm 2010 thì nội dung chế độ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật gồm ba hoạt động sau: Chăm sóc sức khỏe ban đầu; khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
Đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu: Theo quy định tại Điều 21 Luật Người khuyết tật năm 2010, trẻ khuyết tật được giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe; được tham gia chương trình giáo dục đặc biệt; được thực hiện các biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm nhằm nhận ra dấu hiệu sớm nhất của khuyết tật để kịp thời chuẩn đoán và điều trị có hiệu quả.
Đối với hoạt động khám, chữa bệnh: Trẻ khuyết tật được tạo điều kiện để thực hiện quyền khám chữa bệnh một cách bình đẳng, được ưu tiên khám, chữa bệnh dưới các hình thức như miễn phí, giảm phí, ưu tiên về thứ tự khám, chữa bệnh…
Đối với hoạt động phục hồi chức năng: Đây là nội dung đặc thù và đặc biệt quan trọng dành riêng cho trẻ em khuyết tật. Trẻ khuyết tật có thể phục hồi thông qua các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng như: Viện chỉnh hình, phục hồi chức năng; Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng…; phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng - Đây là hình thức phục hồi mà trẻ có thể thực hiện ngay tại nơi với những người mà trẻ khuyết tật cùng sinh sống nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội và hòa nhập cộng đồng cho trẻ.
Thứ tư, quyền được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí:
Điều 4 Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng khẳng định: Trẻ khuyết tật có quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, được tiếp cận các dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch… phù hợp với dạng tật và mức độ tiếp cận. Trẻ khuyết tật có thể tham gia vào các hoạt động này trên hai phương diện: Thưởng thức các hoạt động do người khác thực hiện hoặc chính bản thân họ chủ động thực hiện các hoạt động tập luyện, biểu diễn, sáng tác, thi đấu thể thao… Có thể thấy, việc thưởng thức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí giúp cho trẻ khuyết tật có cơ hội mở mang trí tuệ, nhận thức, tăng cường sự hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm sống, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của trẻ. Còn việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động xã hội sẽ giúp trẻ khuyết tật cải thiện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng, rèn luyện cho trẻ các kỹ năng như: Khéo léo, dẻo dai…
Quyền được tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí của trẻ khuyết tật là một trong những quyền đặc biệt quan trọng. Nhờ đó, trẻ khuyết tật có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu, bộc lộ khả năng để khẳng định mình, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Như vậy, trẻ em khuyết tật ngoài được hưởng các quyền trẻ em quy định tại Mục 1, Chương II, Luật Trẻ em năm 2016 thì còn được hưởng một số quyền của người khuyết tật và được nhận sự hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt để phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng.