1. Ngày 16/9/2024, Tạp chí Tình thương & Cuộc sống (nay là Tạp chí Sức khỏe trẻ em) đã phối hợp với Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương, Huyện ủy, UBND, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội, trao 300 suất quà trung thu cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện. Sự kiện trên thuộc Chương trình "Trao gửi yêu thương - Trung thu ấm tình".

2. Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 830 CT/TTg về Phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025” có nêu mục tiêu chung:

 “Trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng”.

3. Căn cứ tại Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau:

Khung 1: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

- Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Như vậy, người nào có hành vi hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là 05 năm tù.

4. Báo Nhân Dân ra số 5526 ngày 1/6/1961, Tr1 - Bác Hồ viết bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”:

Nói chung trẻ con ta rất tốt.

Ở miền Nam, các cháu bé rất dũng cảm, đã hăng hái giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ gia đình có người kháng chiến, làm giao liên, đánh du kích, v.v.. Nhiều cháu mới hơn 10 tuổi đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ.

Ở miền Bắc, các cháu đều hăng hái thi đua làm “nghìn việc tốt” như giúp đỡ gia đình bộ đội, trả lại của rơi, gan góc liều mình cứu bạn, v.v.. Ở nông thôn thì nhiều nơi các cháu tổ chức giúp các hợp tác xã chăm sóc trâu bò béo khỏe, trồng cây và bảo vệ cây xanh tốt. Các cháu sơ tán xa gia đình vẫn cố gắng vượt mọi khó khăn, kính thầy yêu bạn, đoàn kết với đồng bào địa phương và thi đua học tập tốt, lao động tốt. Nhiều cháu học giỏi, tất cả các môn đều đạt điểm 5, điểm 10, đã được giải thưởng của Bác Hồ.

Hàng trăm cháu có thành tích xuất sắc đã được Bác Hồ thưởng huy hiệu. Hơn hai triệu cháu được bình bầu là Cháu ngoan Bác Hồ.

Nhân dân ta rất tự hào có nhiều con cháu tiến bộ như thế. Mong các cháu ngày càng cố gắng hơn nữa và tiến bộ hơn nữa.

Song vẫn còn một số ít cháu chậm tiến vì chưa được chăm sóc dạy dỗ đến nơi đến chốn.

Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực.

Trước hết các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Các đảng ủy đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên. Ủy ban thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khoẻ mạnh và tiến bộ. Các Tỉnh ủy, Thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt.

Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt.

T.L.

5. Quyết định số 78/QĐ – HCT, ngày 7/10/2024, của Chủ tịch Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, qui định Tôn chỉ mục đích, chức năng của Tạp chí Sức khỏe trẻ em như sau:

1.Tạp chí Sức khỏe trẻ em gồm: Tạp chí Sức khỏe trẻ em in  và Tạp chí Sức khỏe trẻ em điện tử (suckhoetreem.vn) là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, có chức năng thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật; Thông tin về các hoạt động của Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; Định kỳ theo kỳ xuất bản (đối với loại hình tạp chí in), định kỳ cập nhật thông tin theo quy định của pháp luật (đối với loại hình tạp chí điện tử) để thông tin chuyên sâu, chuyên ngành; giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học; trao đổi kinh nghiệm trong việc vận động tập hợp, tiếp nhận sự giúp đỡ, đóng góp về vật chất và tinh thần để tổ chức các hoạt động nhằm góp phần làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em tàn tật thoát khỏi khổ đau và bất hạnh, được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe theo Luật trẻ em, Luật Người khuyết tật và Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật, giúp trẻ em tàn tật sống hoà nhập bình đẳng với cộng đồng.

2. Tạp chí Sức khỏe trẻ em là đơn vị sự nhiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, được mở tài khoản tại các ngân hàng và kho bạc nhà nước.

3. Tạp chí Sức khỏe trẻ em có trụ sở chính đặt tại Hà Nội; có đại diện tại các địa phương theo quy định của Luật Báo chí.

          BTC