1. Phát biểu tại buổi đến thăm, Trường Phổ thông Cơ sở Nguyễn Đình Chiểu và Phổ thông Cơ sở Xã Đàn (Hà Nội). Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương và ghi nhận thành tích của thầy, cô giáo và học sinh hai nhà trường trong thời gian qua, chia sẻ dù con đường các cháu đi có nhiều gập ghềnh, chông gai, khó khăn hơn những người khác; đồng thời tin tưởng với sự dũng cảm, ý chí quyết tâm, lòng tự trọng, vượt lên chính bản thân mình, với tinh thần lạc quan, tràn đầy hy vọng các cháu sẽ từng bước cùng thầy cô, bạn bè, gia đình vượt qua mọi khó khăn và vươn tới thành công.

Tổng Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước, thầy cô, cha mẹ và toàn xã hội luôn đồng hành, dõi theo và tiếp sức cho các cháu bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm.

Tổng Bí thư kêu gọi các bộ, ngành, chính quyền các cấp và toàn xã hội cần hành động mạnh mẽ hơn nữa. Phải xem việc chăm lo cho trẻ em khuyết tật là trách nhiệm chính trị, là cam kết nhân đạo và cũng là thước đo cho sự văn minh, tiến bộ của đất nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, với chính quyền các địa phương để nhân rộng mô hình các trường có chức năng tương tự Trường Phổ thông Cơ sở Nguyễn Đình Chiểu và Trường Phổ thông Cơ sở Xã Đàn hoặc các trường chuyên đặc biệt khác để có thể tạo "ngôi nhà" cho các cháu khuyết tật bẩm sinh như khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, ảnh hưởng chất độc màu da cam và các trường hợp khuyết tật khác... có cơ hội, điều kiện hội nhập trong cộng đồng, không bị bỏ lại phía sau.

Tổng Bí thư đề nghị, cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ cho giáo dục đặc biệt, trong đó gắn kết giữa nhà trường với bệnh viện, trung tâm trị liệu, cơ sở năng khiếu, phục hồi chức năng và hướng nghiệp; tăng cường đào tạo giáo viên chuyên biệt, cán bộ trị liệu, tâm lý học đường; phát triển hệ thống học liệu, thiết bị dạy học phù hợp với từng dạng tật; hỗ trợ tài chính, học bổng, bảo hiểm và phương tiện học tập cho học sinh khuyết tật ở cả thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thiết lập các trung tâm hỗ trợ giáo dục đặc biệt, phát triển các mô hình trường học thân thiện, cơ sở vật chất tiếp cận với mọi dạng khuyết tật.

Đối với nhà trường, Tổng Bí thư căn dặn cần chủ động kết nối với bệnh viện, các tổ chức y tế, các cơ sở giáo dục nghệ thuật - thể thao - nghề nghiệp để xây dựng môi trường học tập đa chiều, giúp các cháu không chỉ học chữ mà còn học nghề, học làm người, học sống hạnh phúc. Đối với các bậc cha mẹ, xin đừng mặc cảm vì con mình khuyết tật, hãy dành tình yêu thương lớn hơn cho các cháu, cùng cộng đồng thu hẹp tối đa khoảng cách được chăm sóc, học hành, chữa trị bệnh so với các trẻ bình thường khác. Các cháu rất cần được yêu thương, được công nhận, được kỳ vọng và hơn hết là được đồng hành. Gia đình là hậu phương vững chắc để các cháu tự tin bước ra xã hội.

Tổng Bí thư kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và từng người dân hãy cùng chung tay xây dựng một hệ sinh thái bao trùm, nơi mọi trẻ em - dù khỏe mạnh hay mang khiếm khuyết - đều được sống trong sự sẻ chia, tôn trọng và cơ hội phát triển công bằng.

Tổng Bí thư xúc động bày tỏ, với các thầy cô giáo - những người đang ngày đêm lặng thầm gieo hạt yêu thương, công việc của các thầy cô không chỉ là nghề, mà là một sứ mệnh. Các thầy cô đã thắp lên ngọn lửa của nghị lực, là điểm tựa để các cháu từng bước hòa nhập cộng đồng và đóng góp cho xã hội.

Tổng Bí thư đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các đơn vị liên quan phải tổng kết mô hình giáo dục trẻ khuyết tật của Hà Nội và một số địa phương khác để xây dựng những trường phổ thông đặc biệt từ bậc Tiểu học đến Phổ thông Trung học dành cho các cháu học sinh khuyết tật. Các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cần có kế hoạch tiếp nhận những người khuyết tật khi đến tuổi lao động vào làm những công việc phù hợp nhằm giúp người khuyết tật thật sự hòa nhập cộng đồng.

2. Ngày 01/6/2025, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em” lần thứ X năm 2025. Chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em” lần thứ X là một hoạt động thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Hội và toàn xã hội đối với trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước Chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em” lần thứ X, đặt mục tiêu vận động tặng quà, học bổng, hỗ trợ phẫu thuật, phương tiện hỗ trợ tật và hỗ trợ sinh kế cho trên 10.000 trẻ em khuyết tật trong cả nước. Thông điệp của chương trình năm nay là tiếp tục thực hiện phương châm “Thực tâm, Thực lòng và Thực chất trong công tác trẻ em khuyết tật”.

Chương trình tổ chức tại Hà Tĩnh, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã nhận được 2 tỷ đồng từ các nhà tài trợ để góp phần làm quà tặng, học bổng cho 1.000 trẻ em khuyết tật tiêu biểu vượt khó vươn lên ở các tỉnh miền Trung, tặng máy tính trị giá 10 triệu đồng cho 100 em khuyết tật có khả năng sử dụng thành thạo, có ước mơ khởi nghiệp, hưởng ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Tại sự kiện, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã trực tiếp trao quà và 100 triệu đồng cho 100 trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn và 100 triệu đồng (tương đương giá trị 10 máy tính) cho 10 em học sinh nghèo vượt khó trong học tập.

Nhân dịp này, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cũng trao tặng hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng mỗi tổ chức hội 100 triệu đồng, và tỉnh Hà Tĩnh 200 triệu đồng và quà, để động viên, khích lệ trẻ em khuyết tật các địa phương đó vươn lên trong năm học mới.

  3. Tại sự kiện Lễ ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khỏe trẻ em, ngày 21/10/2024, Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe trẻ - Tiến sĩ Trần Doãn Tiến công bố thông điệp “Tạp chí Sức khỏe trẻ em- Vì nụ cười trẻ em”  

4. Phát biểu tại buổi Lễ phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2025. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, trẻ em là mầm xanh của đất nước, là tương lai của dân tộc. Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề: “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em”, đây không chỉ là khẩu hiệu hành động, mà còn là thông điệp xuyên suốt thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và toàn thể cộng đồng đối với mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ và nhân cách.

Trong những năm qua, công tác trẻ em luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; cùng với sự đồng hành tích cực của các tổ chức quốc tế, trong nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Nhờ đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực: Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với các công ước quốc tế và yêu cầu thực tiễn; nhiều chương trình, kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em đã và đang được triển khai đồng bộ; tỷ lệ tử vong trẻ em và suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi giảm mạnh, vượt mức Chính phủ giao; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản ngày càng tăng. Các mô hình chăm sóc sức khỏe thân thiện với trẻ em, khám sức khỏe định kỳ, y tế học đường, sàng lọc dị tật bẩm sinh, tư vấn sức khỏe tâm thần cho trẻ em bước đầu đạt kết quả tích cực; chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông cơ sở từng bước được nâng cao; các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính, phòng, chống tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em được chú trọng mở rộng; công tác bảo vệ trẻ em ngày càng được quan tâm, đầu tư: Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ đang được xây dựng; tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoạt động hiệu quả, tiếp nhận hàng trăm nghìn cuộc gọi, xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến trẻ em mỗi năm; phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được phát triển sâu rộng với nhiều hoạt động thiết thực: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xây dựng sân chơi, nhà văn hóa thiếu nhi; tổ chức diễn đàn trẻ em, trại hè, hội thi, hội trại giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần; trẻ em ngày càng được lắng nghe, tham gia vào các vấn đề liên quan đến mình thông qua hoạt động của Hội đồng trẻ em, Diễn đàn trẻ em các cấp, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”; sự phối hợp đa ngành và huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực quốc tế được đẩy mạnh, tạo điều kiện để triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh...

5. Điểm 11 điều 4 Luật trẻ em 2016 qui định: Giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em là việc xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em.

BTC